1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Ẩn tinh hoàn ở trẻ, khi nào cần phẫu thuật?

Hồng Hải

(Dân trí) - Tinh hoàn ẩn là bệnh gặp khá phổ biến ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ sợ mổ, hy vọng trẻ lớn lên tinh hoàn tự về đúng chỗ. Theo chuyên gia, điều này gây nhiều rủi ro, thậm chí nguy cơ vô sinh sau này.

Tuổi can thiệp lý tưởng: Dưới 1 tuổi

PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, các dị tật vùng bẹn bìu, ẩn tinh hoàn hay gặp ở trẻ, với tỉ lệ gặp 0,8% .

Chuyên gia này cho biết, đây là bệnh lý các bậc cha mẹ cần rất quan tâm, bởi việc phát hiện muộn có thể dẫn đến vấn đề sinh sản khi trưởng thành.

"Khi tinh hoàn không ở đúng vị trí lâu ngày dẫn đến teo, giảm chất lượng tinh hoàn, ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản sau này", PGS Hoa thông tin.

Đặc biệt, chuyên gia này nhấn mạnh, cha mẹ không nên sợ mổ mà trì hoãn can thiệp, hi vọng tinh hoàn tự trở về đúng vị trí.

Ẩn tinh hoàn ở trẻ, khi nào cần phẫu thuật? - 1

Với dị tật ẩn tinh hoàn, trẻ phẫu thuật xong bố mẹ không nhìn thấy đường sẹo, trẻ ra viện sau 1 ngày điều trị (Ảnh: M.N).

"Trước đây, khi trẻ bị ẩn tinh hoàn, khuyến cáo phẫu thuật có thể kéo dài từ 2-4 tuổi. Tuy nhiên, hiện khuyến cáo được đưa ra nên mổ hạ tinh hoàn khi trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Thông thường, từ khi sinh đến 6 tháng, nếu tinh hoàn của trẻ không tự về vị trí cũ, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Tại khoa của chúng tôi, tuổi phẫu thuật tinh hoàn ẩn ở trẻ trung bình là 1 tuổi.

Đặc biệt 2 năm trở lại đây, tuổi phẫu thuật sớm hơn, trẻ 6 tháng - 1 tuổi đã được phẫu thuật. Kết quả cho thấy can thiệp sớm, việc hạ tinh hoàn xuống bìu dễ dàng hơn, giảm nguy cơ để lâu ngày ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Ngoài ra hạn chế được nguy cơ xoắn tinh hoàn dẫn đến phải cắt bỏ", PGS Hoa thông tin.

Theo chuyên gia này, bố mẹ không cần quá lo lắng về cuộc mổ của trẻ. Hiện nay, với kỹ thuật mổ, bố mẹ thậm chí không nhìn thấy sẹo sau mổ. Mổ hôm trước, hôm sau trẻ đã được xuất viện về nhà.

Như trường hợp của bé trai 1 tuổi ở Hà Nội vừa được phẫu thuật ngày 14/5, đến chiều nay (15/5), bệnh nhi đã được xuất viện.

PGS Hoa khuyến cáo, đối với các gia đình mới sinh em bé trai, cần kiểm tra xem 2 tinh hoàn có nằm trong bìu hay ở vị trí khác để đi khám, can thiệp sớm (tốt nhất là trước 18 tháng).

"Tinh hoàn ẩn rất dễ nhận biết, bố mẹ khi kiểm tra có thể thấy 2 bên bìu không cân nhau, một bên có tinh hoàn, một bên không có, biểu hiện lép hơn", PGS Hoa hướng dẫn.

Dị tật hậu môn lạc chỗ khi nào nên xử lý?

Ngoài dị tật ẩn tinh hoàn, PGS Hoa cũng khuyến cáo dị tật hậu môn trực tràng lạc chỗ gặp rất phổ biến ở trẻ.

"Bình thường với dị tật này, trẻ được phát hiện, phẫu thuật ngay sau sinh, vì hậu môn lạc chỗ rất dễ phát hiện, can thiệp sớm giúp cuộc phẫu thuật thuận lợi, mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho trẻ", PGS Hoa cho biết.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trẻ vẫn được phát hiện muộn do cha mẹ chủ quan, dẫn đến việc điều trị khó khăn, trẻ thiệt thòi rất nhiều vì tự ti, giảm chất lượng cuộc sống. Trẻ không thể đến trường vì đại tiện không tự chủ.

Ẩn tinh hoàn ở trẻ, khi nào cần phẫu thuật? - 2

Bé trai vào viện trong tình trạng bụng to như trống, đại tràng giãn to vì hậu môn lạc chỗ (Ảnh: M.N).

Như trường hợp bé trai 13 tuổi người dân tộc vừa được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng bụng to như trống, đại tràng giãn to như săm ô tô vì dị tật hậu môn trực tràng lạc vị trí kéo dài. Hậu môn của bé ở sát vùng bìu.

Cha mẹ bệnh nhi cho biết, từ khi sinh ra thấy vị trí hậu môn bất thường nhưng vẫn thấy trẻ đại tiện được nên không đi khám.

"Nếu bệnh nhân đến sớm, với vị trí thấp như thế này, trẻ thường chỉ cần trải qua một cuộc phẫu thuật là có thể trả hậu môn về đúng vị trí. Còn bệnh nhi này, buộc phải làm hậu môn nhân tạo, sau đó mới tiến hành thì 2 để đưa hậu môn về đúng vị trí", PGS Hoa lý giải.

Theo PGS Hoa, các dị tật bẩm sinh ở trẻ rất đa dạng. Trẻ có thể gặp các dị tật tiết niệu sinh dục như giãn thận, lỗ tiểu thấp, cong, lún dương vật, tinh hoàn lạc chỗ… ; Rối loạn phát triển giới tính, phì đại âm vật, dính âm hộ, không có âm đạo; Dị vật tiêu hóa như táo bón, giãn ruột, rò hậu môn, hậu môn lạc chỗ...

Trẻ có thể gặp bệnh lý các khối u như u gan, u thận, u tụy, nang ống mật chủ, u buồng trứng, u máu, u bạch huyết…; Dị tật tim mạch và lồng ngực bẩm sinh như tim bẩm sinh, lõm, lồi lồng ngực, u nang tuyến phổi…; Dị tật cơ quan vận động như dính, thừa ngón, chân khòeo cong vẹo cột sống; sứt môi hở hàm ếch…

Năm nào khoa cũng có các chương trình khám sàng lọc miễn phí các dị tật bẩm sinh cho trẻ dưới 16 tuổi. Theo đó, ngày 18/5, các bệnh nhân đăng kí sẽ được khám sàng lọc và siêu âm miễn phí tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Từ 20/5, các trường hợp phát hiện dị tật sẽ được phẫu thuật tại bệnh viện.